Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Vào năm 1947, ngay buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày “Thương binh toàn quốc”. Ý nghĩa của ngày này được Hồ Chủ Tịch nêu rõ trong Thư gửi Ban thường trực tổ chức ngày “Thương binh toàn quốc” đầu tiên: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc và đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu... Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27-7 là dịp để đồng bào tỏ rõ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.

Bao năm qua, lời căn dặn của Bác Hồ đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ghi nhớ và thực hiện. Ý nghĩa của ngày 27-7 cũng đã được nâng cao thành ngày “Thương binh - liệt sĩ” - ngày thu hút sự quan tâm của hàng triệu tấm lòng, ngày thể hiện tình cảm tốt đẹp của hàng triệu con tim. Đặc biệt là tình cảm trân trọng, biết ơn các liệt sĩ, mà Bác Hồ là người khởi nguồn và bồi đắp bằng những lời dạy thật sâu sắc: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.

ảnh nguồn internet



Ngay buổi đầu chống Pháp, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 20/SL, đặt “Chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, mở đầu cho sự phát triển của một hệ thống chính sách thương binh - liệt sĩ. Trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi chế độ bảo hiểm xã hội ra đời, ngày 30 tháng 10 năm 1969, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/CP về “Điều lệ ưu đãi quân nhân, quân dân dự bị, dân quân tự vệ bị thương, bị chết”. Sau này đối tượng được xác nhận là thương binh, liệt sĩ được mở rộng thêm và bao gồm cả thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, lực lượng vận tải, cán bộ chủ chốt xã, y tế xã.

Kỷ niệm ngày thương binh 27-7-1948, Người lại gửi bức thư đầy tâm huyết tới đồng bào. Không chỉ những lời động viên, chia sẻ qua thư, mà Người đã gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó thông qua những việc làm thiết thực: gửi quà tặng thương binh, gia đình liệt sỹ vào dịp kỷ niệm 27-7 hằng năm, đến thăm các trại điều dưỡng thương binh. Câu nói bất hủ của Người: “Thương binh tàn nhưng không phế” có sức động viên mạnh mẽ hàng vạn thương binh cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống với niềm tin mãnh liệt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) giáp tết Bính Ngọ (1966), trong bài nói của Bác, Người yêu cầu các địa phương, đoàn thể phải coi trọng giúp đỡ gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có con là chiến sỹ đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã thật sự “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Song sự hy sinh, mất mát cũng thật lớn lao. Không gì có thể bù đắp được những hy sinh vô giá đó. Duy chỉ có lòng biết ơn thật sự mới có thể làm vơi đi những nỗi đau. Lòng biết ơn thương binh - liệt sĩ đã làm sáng lên truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, khẳng định bản chất xã hội ta là một xã hội dân chủ, công bằng.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng lịch sử chói sáng của dân tộc vẫn khắc đậm chiến công của các vị anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Trong mỗi trái tim Việt Nam vẫn sẽ mãi khắc ghi sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với các Anh hùng - Liệt sĩ - chiến sĩ đã sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mong rằng sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn ấy mãi là ngọn lửa ấm tiếp thêm nguồn năng lượng mới để mỗi thương binh, thân nhân liệt sĩ có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống.

ảnh nguồn internet

Các tin khác