Kỹ năng tổ chức Đối thoại-Hội thảo

KỸ NĂNG TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI - HỘI THẢO


Đối thoại - Hội thảo là những hình thức hoạt động phổ biến, đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, có sức thu hút đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay.


I. CÁCH TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI
1. Thu thập những thắc mắc, những vấn đề mà đoàn viên, thanh niên quan tâm. Có hai cách thu thập: trực tiếp và gián tiếp.
- Thu thập trực tiếp: thông qua phản ánh trực tiếp của đoàn viên, thanh niên, các chi đoàn, chi hội, tổ thăm dò dư luận.
- Thu thập gián tiếp: thông qua thư từ, khiếu nại kiến nghị của đoàn viên, thanh niên hoặc qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
2. Phân loại các ý kiến. Các ý kiến được phân loại theo một vấn đề hoặc một nhóm vấn đề.
3. Chuyển các ý kiến được tập hợp tới Đảng ủy, Ban giám hiệu, các phòng, ban hoặc các cơ quan, cá nhân có liên quan để chuẩn bị nội dung đối thoại.
4. Tổ chức đối thoại: sau khi có ý kiến đồng ý của Đảng ủy, Ban giám hiệu hoặc các cơ quan liên quan, tổ chức Đoàn, Hội cần chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo cho một buổi đối thoại: hội trường được trang trí trang trọng, âm thanh ánh sáng tốt. Có thể chuẩn bị thêm một số tiết mục văn nghệ.
Chương trình một buổi đối thoại thường là:
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, giới thiệu nội dung buổi đối thoại, người đối thoại và một số nguyên tắc khi đối thoại.
- Người đối thoại trả lời những thắc mắc, câu hỏi của đoàn viên, thanh niên (những vấn đề mà đã được chuyển đến trước và những câu hỏi trực tiếp tại cuộc đối thoại.
Người đối thoại cần làm rõ 3 vấn đề:
+ Sự việc mà đoàn viên, thanh niên nêu ra đúng hay sai?
+ Nguyên nhân
+ Hướng giải quyết
- Người tổ chức đối thoại cảm ơn người tham dự và kết luận những vấn đề đã được giải quyết. Những vấn đề chưa thỏa đáng đề nghị người đối thoại tiếp tục nghiên cứu và trả lời sau.
5. Một số lưu ý khi tổ chức đối thoại:
- Trong quá trình đối thoại, điểm nào chưa rõ, người nghe có quyền chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề nhưng người chủ trì cần phải có nghệ thuật điều khiển để tránh biến thành một cuộc “cãi vã” vô kỷ luật. Đối thoại là một khía cạnh của dân chủ nhưng phải là dân chủ có tổ chức.
- Nên tổ chức đối thoại theo chủ đề, tránh tràn lan. Người đối thoại cần nắm vững nội dung để tránh trả lời chung chung, né tránh.
- Khi tổ chức đối thoại, có thể lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ nhưng liều lượng phải phù hợp. Tránh biến đối thoại thành một sinh hoạt văn hóa.


II. CÁCH TỔ CHỨC HỘI THẢO
1. Chuẩn bị nội dung:
- Thông báo nội dung hội thảo tới đoàn viên, thanh niên để chuẩn bị ý kiến và thu thập tài liệu.
- Chuẩn bị đề dẫn của ban tổ chức. Đề dẫn có tính chất gợi ý những vấn đề cần thảo luận.
2. Tổ chức hội thảo:
Chương một buổi hội thảo thường là:
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
- Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo
- Thảo luận: phần thảo luận là một sinh hoạt có tính khoa học. Các tham luận phải được đề cập từ nhiều góc độ. Trong quá trình thảo luận cần có những phản biện để làm sáng tỏ vấn đề một cách khách quan biện chứng và phải luôn luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý.
- Tổng kết hội thảo: khẳng định những vấn đề đã được hội thảo nhất trí, trên cơ sở đó mà đề xuất, kiến nghị cách giải quyết vấn đề. Những vấn đề chưa được khẳng định cần hướng cho các thành viên dự hội thảo tiếp tục suy nghĩ đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh quan điểm của mình.
3. Một số vấn đề cần lưu ý khi tổ chức hội thảo:
- Cũng như tổ chức diễn đàn, khi tổ chức hội thảo cần chú ý đến trang trí hội trường để nêu bật chủ đề của hội thảo; có chủ tọa điều khiển và thư ký ghi chép. Trong quá trình tổ chức hội thảo nên xen kẽ một số tiết mục văn nghệ và người chủ trì hội thảo phải chuẩn bị tốt để xử lý các tình huống xảy ra trong hội thảo.
- Hội thảo mang tính khoa học nên phải sắp xếp các ý kiến phát biểu một cách khoa học, hợp lý. Cần sắp xếp xen kẽ các ý kiến phát biểu có quan điểm khác nhau.

Người phụ trách hội thảo cần nắm bắt nhanh các ý kiến, kết luận mang tính định hướng, không áp đặt kết luận riêng mình mà tạo lối mở cho đề tài, cho sự phát triển, cho sự sáng tạo.

Các tin khác