Cách tổ chức một số cuộc thi về học tập cho HSSV

1. Phương pháp và kỹ năng tổ chức Olympic môn học:

* Bước 1: Xây dựng kế hoạch tổ chức và thể lệ cuộc thi:

- Kế hoạch tổ chức cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau:

+ Mục đích - yêu cầu: Nêu rõ mục đích cơ bản và yêu cầu chính của Olympic môn học đó là nhằm nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu các môn học trong nhà trường; tạo ra phong trào thi đua học tập các môn học một cách rộng khắp và sâu rộng trong sinh viên.

+ Thời gian, địa điểm: Chọn thời gian tổ chức phù hợp, nên gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngày thành lập Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên: 9/1, 26/3, 30/4, 2/9..., gắn với các hoạt động chung của nhà trường (ví dụ: Chào mừng Đại hội Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, chào mừng ngày thành lập trường...) hoặc gắn với các sự kiện liên quan đến môn thi Olympic.

+ Nội dung, biện pháp: Những nội dung đưa ra trong cuộc thi phải là những nội dung phù hợp và được sinh viên quan tâm. Muốn vậy phải tìm hiểu tư tưởng của sinh viên, những vấn đề mà sinh viên đang tranh luận, đang muốn giải quyết Olympic môn học được tổ chức dưới nhiều hình thức, như: Thi viết, thi các câu hỏi trắc nghiệm, thi sân khấu hoá... được thể hiện qua từng sinh viên hoặc các đội, nhóm sinh viên.

+ Tổ chức thực hiện: Cần phải phân công trách nhiệm từng bộ phận để triển khai thực hiện theo tiến độ và thời
gian cụ thể báo cáo về Ban Tổ chức cuộc thi, giao cho 1 bộ phận làm thường trực Ban Tổ chức cuộc thi (ví dụ: Hội Sinh viên làm gì? Liên chỉ hội khoa làm gì, khoa chuyên môn làm gì?...)

- Thể lệ cuộc thi: Thông thường thể lệ cuộc thi thể hiện theo Điều, Khoản, Điểm nhằm quy định và cụ thể hoá các nội dung trong kế hoạch cuộc thi nhằm đưa ra những hướng dẫn và quy định cụ thể và mang tính bắt buộc về nội dung cuộc thi. Trong thể lệ nhất thiết phải nêu được một số vấn đề như: Đối tượng tham gia, quy mô, chủ đề cuộc thi, hình thức thi, thời gian, địa điểm diễn ra, giải thưởng, những quy định về khiếu nại (nếu có)...

* Bước 2: Công tác chuẩn bị:

1. Triển khai kế hoạch đến các cơ sở Hội và các đơn vị liên quan.

Có hai hình thức triển khai chính:

- Trực tiếp: Triệu tập thành phần liên quan họp triển khai kế hoạch.

- Gián tiếp: Triển khai bằng văn bản gửi xuống các chi hội, Liên chi hội.
(Kết hợp có thể thông báo kế hoạch trên bảng tin trường hoặc qua đội phát thanh).

2. Chuẩn bị về nhân sự:

- Thành lập Ban Tổ chức cuộc thi Olympic: Để phân công tổ chức và điều hành cuộc thi, gồm có Trưởng ban Tổ chức, Phó Trưởng ban và các thành viên là đại diện các phòng ban trong trường (cần lưu ý tính đại diện).

- Thành lập Hội đồng Giám khảo, Hội đồng cố vấn: Giúp Ban Tổ chức về mặt chuyên môn, chấm và chọn ra
bài thi hoặc những đội dự thi xuất sắc. Hội đồng Giám khảo bao gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và thành viên hội đồng. Ban giám khảo không nhất thiết chỉ là ở trường, có thể mở rộng thêm đối tượng tham gia Ban Giám khảo từ các nhà chuyên môn có uy tín tại các trường khác, các Viện Nghiên cứu hoặc các cơ quan thuộc ngành giáo dục...

- Thành lập các tiểu ban giúp việc cho cuộc thi: Các tiểu ban do Trưởng ban Tổ chức phân công, có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Tổ chức cuộc thi về một số nội dung cụ thể (ví dụ Tiểu ban hậu cần, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Tuyên truyền...).

3. Chuẩn bị về nội dung.

Đây là khâu quan trọng, tiểu ban Nội dung hoặc các thành viên được phân công phụ trách mảng nội dung phải
tham mưu chuẩn bị nội dung câu hỏi, đáp án, gợi ý trả lời, tài liệu tham khảo hoặc giới hạn, những phạm vi đề tài trên cơ sở khoa học đảm bảo được một yêu cầu:

- Những kiến thức cơ bản về các môn học.

- Những hiểu biết về các lĩnh vực của môn học.

- Lịch sử các môn học

- Những hiểu biết về sự nghiệp và cuộc đời của các nhà sáng lập, phát minh nổi tiếng liên quan đến môn học. 

- Sự ứng dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua các tình huống cụ thể.

4. Chuẩn bị về điều kiện, cơ sở vật chất

Tiểu ban Hậu cần hoặc các thành viên được phân phụ trách phải tham mưu chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho cuộc thi Olympic, lập dự trù kinh phí chi tiết cho toàn bộ cuộc thi (kinh phí có thể từ nguồn ngân sách hoặc vận động tài trợ), lên phương án chuẩn bị đảm bảo về địa điểm, chỗ ăn nghỉ cho Ban Tổ chức, trang trí, âm thanh, ánh sáng, hoa, nước uống, giải thưởng...

* Bước 3: Tổ chức cuộc thi:

- Chương trình khai mạc:

Văn nghệ (nếu có).

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Phát biểu khai mạc.

Phát biểu chào mừng (nếu có).

Phát biểu của đại diện sinh viên.

Phần thi.

Tuỳ từng trường và từng môn học mà có thể diễn ra các hình thức thi khác nhau như. Thi viết, thi các câu hỏi trắc nghiệm, thi sân khấu hoá.

(Nếu là hình thức thi dạng sân khấu hoá thì trong quá trình diễn ra cần sắp xếp một số tiết mục văn nghệ do sinh viên biểu diễn).

- Chương trình bế mạc: 

Văn nghệ đầu giờ.

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Phát biểu đánh giá chất lượng chuyên môn của Hội đồng Giám khảo.

Phát biểu đánh giá tổng kết của Trưởng Ban Tổ chức hội thi.

Khen thưởng.

Kết thúc.

- Điều hành hoạt động: Trong quá trình tổ chức cuộc thi Olympic, các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và các tiểu ban chuẩn bị luôn phải có sự phối hợp nhịp nhàng, gắn kết với nhau thông qua sự điều hành của Trưởng ban Tổ chức.

2. Phương pháp và kỹ năng tổ chức cuộc thi Dynamic sinh viên:

* Mục đích:

- Định hướng mục tiêu học tập, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

- Phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các tình huống trong kinh doanh và rèn luyện khả năng ứng xử cho sinh viên.

- Tạo cầu nối giữa lý thuyết với thực tế kinh doanh.

* Nội dung hoạt động: Bao gồm các phần thi

- Vòng 1: Đánh giá kiến thức kinh tế - xã hội tổng quát thông qua thi trắc nghiệm.

- Vòng 2: Đánh giá khả năng quản trị doanh nghiệp và nắm bắt thời cơ, bảo vệ kế hoạch kinh doanh của thí sinh thông qua thi viết, hùng biện, phỏng vấn trao đổi. Vòng này cho sinh viên đi thăm quan thực tế tại các doanh nghiệp.

- Vòng 3 (bán kết): Đánh giá khả năng xử lý các tình huống trong kinh doanh của nhóm (gồm 3 thí sinh), thi giữa
các nhóm để giải quyết tình huống, được tổ chức công diễn tại hội trường lớn trong 2 buổi, mỗi buổi khoảng 4 nhóm.

- Vòng 4 (chung kết): Đánh giá năng lực tổng hợp và tài năng của sinh viên thông qua thi hùng biện và ứng xử
tình huống.

* Mô hình tổ chức:

- Ban tổ chức: Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, các giáo viên, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, thành phố.

- Hội đồng Giám khảo: Các giáo sư, tiến sĩ, các nhà doanh nghiệp thành đạt.

- Thành lập các tiểu ban tổ chức phụ trách từng công việc.

* Ý nghĩa, hiệu quả cuộc thi:

- Là cầu nối giữa lý thuyết và thực tế.

- Là cầu nối giữa giảng viên và sinh viên.

- Là cầu nối giữa sinh viên với sinh viên.

- Là cầu nối giữa sinh viên và các nhà doanh nghiệp.

3. Phương pháp và kỹ năng tổ chức cuộc thi "Sân chơi lịch sử ":

a. Mục đích:

- Tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kiến thức, ôn lại các truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của dân tộc
và thế giới.

- Tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho sinh viên.

b. Yêu cầu - cách thức tổ chức:

- Sân chơi phải mang tính đại đồng, không chỉ dành riêng cho sinh viên khoa sử mà cho tất cả sinh viên trong trường.

- Các thành viên tham gia thi phải được giao lưu một cách thuận tiện, không phân theo khoa để đảm bảo tính sôi nổi, bổ ích của sân chơi.

- Nội dung câu hỏi phải xen kẽ nhiều lĩnh vực khác nhau như: Địa lý, Triết học, Thể thao. . ., các câu hỏi ở lĩnh
vực khác phải có liên quan hoặc bổ trợ cho nội dung lịch sử, với định hướng như trên, sân chơi sẽ bớt đi tính khô khan của chuyên ngành và kích thích sinh viên tìm hiểu kiến thức một cách toàn diện chứ không riêng ngành học.

- Câu hỏi trong sân chơi phải đảm bảo chất lượng, lúc đầu các câu hỏi có thể dễ để các bạn tự tin, dần dần độ khó phải được nâng lên. Tránh tình trạng câu hỏi đưa ra quá dễ sẽ làm cho sinh viên cảm thấy nhàm chán và không học hỏi thêm được gì khi đến với sân chơi. Số lượng câu hỏi dễ chiếm 20-30%, còn lại câu hỏi khó chiếm 70-80%.

- Hình thức tổ chức sân chơi phải không ngừng thay đổi, cải tiến.

- Để phong phú chương trình, xen kẽ các nội dung kiến thức là phần hát các ca khúc cách mạng, hát về Bác Hồ, về quê hương đất nước... qua các bài hát sẽ khơi gợi lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước của các bạn sinh viên.

c. Biện pháp tổ chức:

- Hội Sinh viên trường xây dựng kế hoạch, phổ biến để sinh viên có thời gian chuẩn bị.

- Mời các chuyên gia, cố vấn về chuyên môn để đảm bảo cuộc thi.

- Lên kế hoạch, soạn nội dung, câu hỏi gửi tới Hội đồng Cố vấn, Ban Giám khảo đóng góp cho ý kiến để tránh những sai sót trong cuộc thi.

Các tin khác