Cách tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học cho HSSV

  1. Các loại hình Hội nghị NCKH sinh viên:

- Hội nghị NCKH cấp khoa, cấp liên khoa, cấp trường.

- Hội nghị NCKH khối ngành: Khối Y Dược, Sư phạm, Nông Lâm, Kinh tế...

2. Phương pháp và kỹ năng tổ chức Hội nghị NCKH:

* Bước 1: Xây dựng kế hoạch tổ chức:

Kế hoạch tổ chức cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau:

- Mục đích - yêu cầu: Nêu rõ mục đích cơ bản và yêu cầu chính của Hội nghị NCKH đó là giúp sinh viên củng cố, nâng cao kiến thức, trang bị phương pháp học tập, NCKH; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận những kiến thức mới về khoa học, sinh viên có thể vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể của khoa học, thực tiễn; động viên sinh viên phát huy nhiệt tình và trí tuệ trong học tập, NCKH.

- Thời gian, địa điểm: Chọn thời gian phù hợp, gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngày thành lập Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên: 9/1, 26/3, 30/4, 2/9. . . hoặc gắn với các hoạt động chung của nhà trường (ví dụ: Chào mừng Đại hội Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, chào mừng ngày thành lập trường...)

- Nội dung, biện pháp:

Nêu nội dung chính của Hội nghị NCKH đến từng bộ môn, khoa và từng lớp sinh viên. Những nội dung đưa ra Hội nghị NCKH phải là những nội dung phù hợp và được sinh viên quan tâm. Muốn vậy phải tìm hiểu tư tưởng của sinh viên, những vấn đề mà sinh viên đang tranh luận, đang muốn giải quyết.

- Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm từng bộ phận để triển khai thực hiện theo tiến độ thời gian cụ thể và báo cáo về Ban Tổ chức (ví dụ Hội Sinh viên trường làm gì? Liên chi hội làm gì, Phòng Khoa học môn làm gì?), có thể giao cho 1 bộ phận làm thường trực Ban Tổ chức Hội nghị.

* Bước 2: Công tác chuẩn bị:

1. Triển khai kế hoạch đến các cơ sở Hội và các đơn vị liên quan.

Có hai hình thức triển khai chính:

- Trực tiếp: Triệu tập thành phần liên quan họp triển khai kế hoạch.

- Gián tiếp: Triển khai bằng văn bản gửi xuống các chi hội, Liên chi hội.
(Kết hợp có thể thông báo kế hoạch trên bảng tin trường hoặc qua phát thanh). 

2. Chuẩn bị về nhân sự:

- Thành lập Ban Tổ chức Hội nghị, gồm có Trưởng ban Tổ chức, Phó Trưởng ban và các thành viên (cần lưu ý
tính đại diện) nhằm điều hành thực hiện kế hoạch tổ chức hội nghị.

- Thành lập Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Khoa học: Giúp Ban Tổ chức về mặt chuyên môn, chấm và chọn ra những công trình NCKH tiêu biểu. Hội đồng Giám khảo bao gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và thành viên hội đồng. Ban Giám khảo không nhất thiết chỉ là ở trường, có thể mở rộng thêm đối tượng tham gia Ban Giám khảo từ các nhà chuyên môn có uy tín tại các trường khác, các Viện Nghiên cứu hoặc các cơ quan ban ngành cấp Sở, Bộ...

- Thành lập các tiểu ban Hội nghị NCKH: Do Trưởng Ban Tổ chức phân công, các tiểu ban này có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Tổ chức Hội nghị NCKH một số phần việc cụ thể (ví dụ Tiểu ban Hậu cần, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Nội dung...)

3. Chuẩn bị về nội dung:

Đây là khâu quan trọng, Tiểu ban Nội dung hoặc các thành viên được phân công phụ trách mảng nội dung phải
tham mưu chuẩn bị các đáp án, gợi ý trả lời, tài liệu tham khảo hoặc giới hạn phạm vi đề tài trên cơ sở khoa học để sinh viên phát huy được khả năng NCKH.

4. Chuẩn bị về điều kiện, cơ sở vật chất:

Tiểu ban Hậu cần hoặc các thành viên được phân công phụ trách phải tham mưu chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho Hội nghị NCKH, lập dự trù kinh phí chi tiết cho toàn bộ Hội nghị (kinh phí có thể từ nguồn ngân sách hoặc vận động tài trợ), lên phương án chuẩn bị đảm bảo về địa điểm, chỗ ăn nghỉ cho Ban Tổ chức, trang trí, âm thanh, ánh sáng, hoa, nước uống...

* Bước 3: Tổ chức Hội nghị NCKH:

- Chương trình khai mạc:

Văn nghệ (nếu có).

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Phát biểu khai mạc.

Phát biểu chào mừng (nếu có).

Trình bày báo cáo đề dẫn khoa học.

Trình bày các báo cáo NCKH tại Hội nghị.

Thảo luận.

Kết thúc.

(Lưu ý: Sau phần phát biểu chào mừng có thể chia thành các Hội đồng riêng để báo cáo khoa học theo chuyên ngành).

- Chương trình bế mạc:

Văn nghệ đầu giờ.

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Phát biểu đánh giá chất lượng NCKH của Hội đồng

Giám khảo.

Phát biểu đánh giá tổng kết của Trưởng Ban Tổ chức hội nghị.

Khen thưởng.

Kết thúc.

- Điều hành hoạt động: Trong quá trình tổ chức Hội nghị NCKH, các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo
và các tiểu ban chuẩn bị luôn phải có sự phối hợp nhịp nhàng, gắn kết với nhau thông qua sự điều hành của Trưởng ban Tổ chức.

* Một số vấn đề lưu ý tổ chức Hội nghị NCKH:

- Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục giúp thanh niên, sinh viên nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của mình trong NCKH, vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

- Tạo môi trường hoạt động thuận lợi, tích cực vận động sinh viên hăng hái thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tập sự NCKH và NCKH.

- Tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt của lãnh đạo nhà trường, các khoa bộ môn, các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, chuyên viên đầu ngành để hướng dẫn sinh viên. Cần tham mưu để nhà trường có cơ chế khuyến khích, động viên thoả đáng đối với đội ngũ giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH.

- Phát huy cao vai trò của Ban Chấp hành Hội Sinh Viên trong việc chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo
nhà trường về nội dung, hình thức hoạt động NCKH, đồng thời thực hiện tốt chức năng triển khai, tổ chức thực hiện nội dung hoạt động của phong trào.

- Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời giúp phong trào NCKH
của sinh viên phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.

Các tin khác