Quyết định ban hành quy chế hoạt động của BCH Đoàn trường khóa XIX Nhiệm kỳ 2017 - 2019

QUẬN ĐOÀN HẢI AN

BCH ĐOÀN TRƯỜNG CĐ HÀNG HẢI I

* * *

Số: 75 -QĐ/ĐTN

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Hải Phòng, ngày 12 tháng 5 năm 2017

 

 

QUYẾT ĐỊNH

V/v ban hành quy chế hoạt động của BCH Đoàn trường khóa XIX

Nhiệm kỳ 2017 - 2019

 

 

- Căn cứ Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Căn cứ vào quyền hạn và trách nhiệm của Ban Chấp hành Đoàn trường Cao đẳng Hàng hải I;

- Căn cứ vào Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Đoàn trường khóa XIX, nhiệm kỳ 2017-2019 ngày 6 tháng 5 năm 2017;

 

BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG CAO ĐẲNG HÀNG HẢI I

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn trường nhiệm kỳ XIX (2017 - 2019). (Nội dung quy chế đính kèm)

Điều 2. Ban Chấp hành Đoàn trường, Ủy ban kiểm tra, Văn phòng Đoàn trường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

 

Nơi nhận:                                                                   

- Đảng uỷ viên phụ trách TN, BGH ( để b/c);    

- Quận đoàn Hải An ( để b/c);

- Như điều 2;

- Lưu VP Đoàn.

 

 

TM. BCH ĐOÀN TRƯỜNG

BÍ THƯ

 

 

 

Đào Quang Thành

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BCH ĐOÀN TRƯỜNG

NHIỆM KỲ 2017-2019

(Kèm theo Quyết định số 75 -QĐ /ĐTN ngày 12/52017 của BCH Đoàn trường CĐ Hàng hải I)

 

Ban Chấp hành Đoàn trường (từ đây gọi tắt là Ban Chấp hành) là cơ quan lãnh đạo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Cao đẳng Hàng hải giữa 2 kỳ đại hội, chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, Ban Giám Hiệu, Quận Đoàn và Đoàn viên về các mặt hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường. Ban Chấp hành là cơ quan đại diện đầy đủ, toàn diện của đoàn viên, sinh viên trường Cao đẳng Hàng hải I trong các hoạt động liên quan đến sinh viên.

Hoạt động của Ban Chấp hành phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Điều lệ Đoàn, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phát huy trí tuệ, tăng cường trách nhiệm cá nhân các ủy viên Ban Chấp hành.

 

CHƯƠNG I: TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, VĂN PHÒNG ĐOÀN TRƯỜNG:

 

Điều 1. Ban Chấp hành có trách nhiệm và quyền hạn như sau:

  1. Cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện Điều lệ Đoàn, nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Trường nhiệm kỳ 2017 – 2019 (từ đây gọi tắt là Đại hội lần thứ XIX), các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy trường và của Quận đoàn.
  2. Xây dựng chương trình làm việc của nhiệm kỳ và phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Ban Chấp hành nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội lần thứ XIX.
  3. Nghe báo cáo và cho ý kiến về hoạt động của Ban Thường vụ Đoàn trường (từ đây gọi tắt là Ban Thường vụ) và Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường giữa 2 kỳ hội nghị.
  4. Sơ kết, tổng kết những chủ trương quan trọng trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đại hội lần thứ XIX.
  5. Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình để xây dựng sự đoàn kết nhất trí cao trong Ban Chấp hành.
  6. Chuẩn bị cho Đại hội Đoàn trường lần thứ XX và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đoàn trường lần thứ XIX trước Đại hội lần thứ XX.

 

Điều 2. Ban Thường vụ có trách nhiệm và quyền hạn như sau:

  1. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm quán triệt thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội lần thứ XIX và các nghị quyết của Ban Chấp hành.
  2. Giải quyết những vấn đề về công tác tổ chức, công tác cán bộ, khen thưởng, kỷ luật theo điều lệ Đoàn và hướng dẫn của Đoàn cấp trên.
  3. Quyết định tổ chức văn phòng Đoàn trường.
  4. Tổ chức kiểm tra và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành, Đảng ủy và Quận Đoàn. Báo cáo định kỳ với BCH về công tác chỉ đạo giữa 2 kỳ hội nghị.

 

Điều 3. Thường trực Đoàn trường:

  1. Bao gồm đồng chí Bí thư và các Phó Bí thư, thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc hàng ngày của Đoàn, theo nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;
  2. Chỉ đạo hoạt động của các ban chuyên môn, Văn phòng Đoàn trường, các đoàn khoa/chi đoàn phối hợp với các đơn vị thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng ủy trường và của Quận Đoàn theo sự phân công.
  3. Thực hiện chế độ hội ý; tuân thủ việc ban hành, ký duyệt văn bản theo đúng chế độ ban hành, ký duyệt, lưu trữ văn bản trong hệ thống Đoàn.

 

Điều 4. Văn phòng Đoàn trường:

  1. Tham mưu và chuẩn bị tốt công tác hậu cần, phòng, thiết bị, các văn kiện, tài liệu họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.
  2. Sắp xếp lịch công tác hàng tuần của Đoàn .
  3. Viết biên bản họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các ý kiến thảo luận của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khi được phân công .
  4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Quận Đoàn và Đảng uỷ/BGH theo đúng quy định.
  5. Rà soát thể thức văn bản và nội dung văn bản trước khi trình ký hoặc phát hành.
  6. Tiếp nhận công văn đến, trình Thường trực duyệt; xử lý các văn bản theo yêu cầu của Thường trực.
  7. Thực hiện chế độ lưu văn bản và quản lý Sổ Đoàn viên theo đúng quy định.
  8. Thực hiện các công tác khác theo sự phân công của thường trực Đoàn.

 

 

CHƯƠNG II : TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CÁ NHÂN ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, CHÁNH VĂN PHÒNG ĐOÀN

 

Điều 5. Bí thư Đoàn trường là người giữ trọng trách chung, chủ trì điều hành công việc của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ, có trách nhiệm và quyền hạn sau:

  1. Chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng ủy - Ban Giám Hiệu, quận Đoàn về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng ủy trường, nghị quyết của Ban Chấp hành quận đoàn, nghị quyết của Đại hội Đoàn lần thứ XIX và nghị quyết của Ban Chấp hành về công tác Đoàn và phong trào thanh niên; đề xuất những vấn đề lớn để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xem xét và quyết định.
  2. Chịu trách nhiệm chính trong thiết kế và chỉ đạo tổng kết những mặt công tác trọng yếu của Đoàn; trong công tác tổ chức cán bộ, công tác đối ngoại và công tác tài chính của Đoàn; phân công và quản lý công việc của các ủy viên Ban Thường vụ.
  3. Giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đoàn và sự đoàn kết, nhất trí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
  4. Được hưởng các phụ cấp trách nhiệm theo quy định của nhà trường.

 

Điều 6. Các Phó Bí thư

  1. Phó Bí thư thường trực:

-       Giúp Bí thư nắm tình hình chung, điều hành và xử lý công việc hàng ngày theo nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chủ trương của Đảng ủy, quận Đoàn; Phụ trách Văn phòng Đoàn trường.

-       Chỉ đạo sự phối hợp công tác giữa các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, các ban chuyên môn, được ủy quyền của Bí thư xử lý, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Ban Thường vụ trong công việc nảy sinh hàng ngày khi cần thiết.

-       Được Bí thư ủy nhiệm phụ trách một số công việc thuộc chức trách của Bí thư, chuẩn bị tốt hội nghị Ban Thường vụ, thay mặt Bí thư khi được ủy quyền.

-       Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và Ban Thường vụ về lĩnh vực phụ trách, trực tiếp phụ trách ban chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công.

-       Được hưởng các phụ cấp trách nhiệm theo quy định của nhà trường.

  1. Phó Bí thư:tham gia công việc lãnh đạo chung của Thường trực Đoàn trường, có trách nhiệm, quyền hạn sau:

-       Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và Ban Thường vụ về lĩnh vực phụ trách, trực tiếp phụ trách ban chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công.

-       Cùng với các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành trong Tổ công tác chuẩn bị các đề án, chuyên đề, kế hoạch để trình Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giải quyết công việc hàng ngày theo sự phân công của Ban Thường vụ.

-       Được hưởng các phụ cấp trách nhiệm theo quy định của nhà trường

 

Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn của ủy viên Ban Thường vụ

  1. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và Ban Thường vụ về lĩnh vực, đơn vị và công việc được phân công phụ trách, tham gia quyết định công việc của Ban Thường vụ.
  2. Cùng với các ủy viên Ban Chấp hành trong các Ban, các Đoàn khoa, chi đoàn trực thuộc tham gia việc thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường và của Ban Chấp hành quận đoàn; tham mưu đề xuất các biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực được phân công và các lĩnh vực liên quan.
  3. Thay mặt Ban Thường vụ để giải quyết công việc hàng ngày về lĩnh vực, đơn vị mình phụ trách, trên cơ sở các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và chỉ đạo của quận đoàn.
  4. Được hưởng các phụ cấp trách nhiệm theo quy định dành cho Ủy viên Thường vụ (là sinh viên và cán bộ viên chức).

 

Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Ban Chấp hành:

  1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công, đề xuất những biện pháp ở lĩnh vực được phân công cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
  2. Tham gia các hoạt động theo nhóm công tác, nhóm nghiên cứu, các ban chuyên môn để tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
  3. Có trách nhiệm cùng tổ chức Đoàn nơi mình đang sinh hoạt kiểm tra, sơ kết – tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
  4. Có quyền được thông tin, đóng góp ý kiến đối với Ban Thường vụ.
  5. Nghiêm túc chấp hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành và những nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo nguyên tắc tập trung dân chủ (cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức).
  6. Định kỳ hàng năm thực hiện chế độ tự phê bình tại đơn vị công tác và có báo cáo cho Ban Thường vụ.
  7. Được hưởng các phụ cấp trách nhiệm theo quy định dành cho Ủy viên Ban chấp hành (là sinh viên và cán bộ viên chức).

 

CHƯƠNG III: CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Điều 9. Ban Chấp hành chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Ban Thường vụ Đảng ủy trường và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của quận Đoàn. Ban Chấp hành có trách nhiệm : 

  1. Tham mưu cho Thường trực Đảng ủy có chế độ làm việc định kỳ với Ban Thường vụ Đoàn trường, thường xuyên báo cáo tình hình và thỉnh thị với Đảng ủy trường để giải quyết các vấn đề có liên quan công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết, chủ trương của Đảng ủy trường liên quan đến công tác thanh niên và tuyên truyền vận động, tổ chức cho đoàn viên, sinh viên thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng.
  2. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn các cấp thực hiện tốt các chỉ thị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quận Đoàn. Thường xuyên báo cáo tình hình, góp ý công tác lãnh đạo và nội dung chỉ đạo của quận Đoàn.

 

Điều 10. Ban Chấp hành Đoàn trường có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể khác trong trường để tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến đoàn viên, sinh viên trường:

  1. Tham gia góp ý các vấn đề liên quan đến sinh viên; tham gia tuyên truyền vận động và tổ chức cho đoàn viên, sinh viên thực hiện các hoạt động của trường.
  2. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được phép hoạt động trong trường thông qua việc phối hợp hoạt động giữa các bên để thực hiện các chương trình liên quan đến đoàn viên, sinh viên.

 

CHƯƠNG IV: CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 11. Chế độ hội nghị:

  1. Hội nghị Ban Chấp hành định kỳ 3 tháng 1 lần, do Ban Thường vụ triệu tập; khi cần thiết thì triệu tập hội nghị bất thường. Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng do ban Thường vụ quyết định.
  2. Hội nghị Ban Thường vụ định kỳ mỗi tháng 1 lần vào tuần cuối của tháng, khi cần thiết Ban thường vụ có thể tổ chức họp bất thường.
  3. Hội nghị làm việc đúng giờ ghi trong thư mời. Tất cả các hội nghị, họp của Ban Chấp hành, ban Thường vụ đều thông qua thư mời bằng thư điện tử (Email) ít nhất trước 1 tuần và trên lịch công tác tuần của Đoàn trường.
  4. Những vấn đề quan trọng đặt ra tại hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải được thảo luận dân chủ để đi đến nhất trí cao và phải được kết luận, biểu quyết theo quy định Điều lệ Đoàn. Trong trường hợp có những vấn đề chưa kết luận được, Ban Chấp hành ủy quyền lại cho Ban Thường vụ bàn bạc quyết định hoặc chuẩn bị hội nghị Ban Chấp hành kỳ họp kế tiếp thảo luận, biểu quyết.
  5. Ủy viên Ban Chấp hành không tham gia sinh hoạt Ban Chấp hành 3 kỳ họp trong nhiệm kỳ mà không có lý do chính đáng thì xóa tên trong Ban Chấp hành.

 

Điều 12. Chế độ đi cơ sở:

  1. Mỗi ủy viên Ban Chấp hành có chế độ làm việc định kỳ, tham dự các hoạt động với cơ sở Đoàn đặc biệt là kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở phát hiện vấn đề tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chủ trương lớn của Ban Chấp hành.
  2. Mỗi ủy viên Ban Chấp hành có trách nhiệm tham dự các hoạt động của cơ sở theo sự phân công của Ban Thường vụ.

 

Điều 13 : Chế độ công bố các văn bản:

  1. Dự thảo các quyết định (nghị quyết, quyết định, chỉ thị…) về mặt công tác nào do ủy viên Thường vụ phụ trách công tác đó chuẩn bị. Thẩm quyền ký ban hành các văn bản của Đoàn trường được Ban Thường vụ quy định riêng. Việc công bố các văn bản chậm nhất là 7 ngày kể từ khi được thông qua.
  2. Tất cả các văn bản đều phải đưa vào hồ sơ lưu trữ của Văn phòng Đoàn trường.

 

Điều 14. Chế độ tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định:

  1. Các nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành và Ban Thường vụ đều phải cụ thể hóa bằng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, sơ tổng kết một cách nghiêm túc.
  2. Đối với các nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thì Thường trực Đoàn trường tổ chức hội nghị cán bộ để triển khai thực hiện. Ngoài ra, các quyết định về mặt công tác nào thì đồng chí ủy viên Thường vụ phụ trách lĩnh vực được phân công chịu trách nhiệm triển khai và kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.
  3. Ban Thường vụ có chương trình chỉ đạo điểm, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện và thông báo chung cho toàn Đoàn rút kinh nghiệm.
  4. Các ban chuyên môn có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định theo chức trách từng ban.

 

 Điều 15: Chế độ thông tin, báo cáo :

  1. Tại hội nghị định kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ báo cáo tình hình chung và những công việc đã giải quyết giữa 2 kỳ hội nghị.
  2. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Văn phòng Đoàn trường có trách nhiệm thông tin báo cáo tình hình chung cho ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ.
  3. Các ban chuyên môn thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Các đồng chí Trưởng ban chịu trách nhiệm về nội dung các báo cáo trên, đồng thời cung cấp những thông tin có liên quan đến đơn vị, lĩnh vực phụ trách cho Văn phòng Đoàn trường theo yêu cầu của Thường trực.

 

CHƯƠNG V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH :

Điều 16. Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, thành viên các ban chuyên môn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy chế này. Ban Chấp hành sẽ quyết định các hình thức tuyên dương khen thưởng đối với các đồng chí thực hiện tốt quy chế và sẽ có biện pháp xử lý cụ thể đối với những trường hợp vi phạm quy chế.

 

Điều 17. Ban Tổ chức Đoàn trường, Ủy ban Kiểm tra, Hội đồng thi đua khen thưởng Đoàn trường, trưởng các ban chuyên môn và Văn phòng Đoàn trường giúp Ban Thường vụ theo dõi việc thực hiện quy chế. Hàng năm, có kiểm điểm việc thực hiện quy chế và báo cáo với hội nghị Ban Chấp hành để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

 

Điều 18. Thường trực Đoàn và Chánh văn phòng có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy chế này đến các cơ sở đoàn, chi đoàn trực thuộc.

Điều 19. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Các tin khác